Tạp chí Forbes mới đây đã công bố danh sách những người giàu nhất Trung Quốc. Theo đó, số lượng người Trung Quốc sở hữu tài sản trị giá từ 1 tỷ USD trở lên đã tăng từ con số 3 người trong năm 2004 lên thành 10 người trong năm nay. Vậy đâu là bí quyết thành công cho những tăng trưởng vượt bậc như vậy?
Bí quyết thành công của các doanh nhân Trung Quốc |
Đứng đầu danh sách những người giàu nhất Trung Quốc là Larry Rong Zhijian, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành tập đoàn đầu tư và tín nhiệm quốc tế Trung Quốc, với tổng tài sản lên đến 1,64 tỷ USD, tăng 150 triệu USD so với năm 2004. Larry là con trai của cựu phó thủ tướng Trung Quốc, Rong Yiren. Tập đoàn của Larry có trụ sở chính tại Hồng Kông chuyên tư vấn đầu tư cho những công ty, tập đoàn đa quốc gia nước ngoài đầu tư vào Trung Quốc. Không chỉ có vậy, Larry còn liên doanh với những tập đoàn này để thực hiện rất nhiều dự án đầu tư lớn.
Đứng thứ hai trong danh sách Zhu Mengyi, một nhà kinh doanh địa ốc lớn tại Bắc Kinh. Hiện tài sản người giàu thứ hai Trung Quốc này ước khoảng 1,4 tỷ USD. Thành công của Zhu Mengyi đến từ sự phát triển mạnh mẽ của ngành xây dựng và đô thị hoá tại Trung Quốc. Tiếp theo là Ding Lei, thành viên sáng lập kiêm chủ tịch tập đoàn thông tin lớn nhất Trung Quốc, Netease.com, với tài sản khoảng 1,27 tỷ USD và Wong Kwong Yu, chủ tịch hãng bán lẻ điện tử GoMe Appliances, sở hữu khối tài sản gần 1,05 tỷ USD. Đứng thứ 10 trong danh sách là Chen Tianqio, thành viên sáng lập kiêm giám đốc điều hành Shanda Interactive Entertainment, nhà cung cấp game trực tuyến lớn nhất Trung Quốc, với tài sản trị giá 1 tỷ USD.
Sự phát triển vượt bậc của nền kinh tế Trung Quốc trong thời gian vài năm trở lại đây là một yếu tố quan trọng giúp gia tăng số lượng các tỷ phú tại quốc gia đông dân nhất thế giới này. Theo ước tính của Forbes thì tổng tài sản của 100 người giàu nhất Trung Quốc hiện đã lên đến 41 tỷ USD, cao hơn nhiều so với con số 29 tỷ USD của năm 2004. Họ là những con người tiêu biểu cho cả nền kinh tế Trung Quốc. Trước những thành công vượt bậc như vậy, một số chuyên gia kinh tế thuộc tạp chí Nihon Keizai, Nhật Bản đã có cuộc nghiên cứu về công thức thành công của tầng lớp doanh nhân “đầy sức mạnh” này.
Những cái nhìn mới mẻ, mạnh bạo
Khác với các nhiều doanh nhân tại những quốc gia khác, các doanh nhân Trung Quốc ngày nay không chấp nhận "trói mình" trong một ngành nào đó. Họ không ngán ngại thay đổi và biết tạo ra những thành tựu kỳ diệu cũng như gây được ấn tượng mạnh ngay trong các ngành nghề truyền thống. Nhà doanh nhân trẻ Chen Tianqio khi đó rời bỏ một tập đoàn lớn của nước ngoài để thành lập ra Shanda Interactive Entertainment. Anh đã gánh lấy trách nhiệm đứng đầu hàng trăm nhân viên cũng như đối mặt với những vấn đề mới liên quan đến chiến lược trong kinh doanh các sản phẩm game trực tuyến còn rất mới mẻ. Và kết quả đã chứng minh. Giờ đây, Chen là một trong 10 người giàu nhất Trung Quốc.
Hay Wong Kwong Yu, tỷ phú trong lĩnh vực bán lẻ trực tuyến của Trung Quốc cũng có cách thức xâm nhập thị trường một cách rất sáng tạo. Khác với thị trường Bắc Kinh, nơi mà Wong đã có sẵn các đối tác kinh doanh rất mạnh thì Thượng Hải hầu như là một thị trường hoàn toàn xa lạ với Wong. Cách thức xâm nhập thị trường Thượng Hải của Wong khá độc đáo nhưng hiệu quả. Ông chỉ góp vốn bằng cách đưa nhân sự của mình sang công ty Wong mới thành lập có tên GoMe Tech. Vốn thực của GoMe Tech là tiền lương năm đầu tiên trả cho các nhân viên đó. Sau một năm, hãng mới phải trả lương cho các nhân sự. Và với vốn góp bằng 1 năm tiền lương của mình, các nhân viên của Wong và chính bản thân ông vẫn được bảo toàn trong số vốn đầu tư đồng thời được chia sẻ lợi nhuận khi làm ăn có hiệu quả.
Dường như đối với các doanh nhân Trung Quốc, mức độ tốt xấu của một dự án đầu tư khó có thể luận chứng bằng những con số, nhưng họ “ngửi” được nó và quyết định tiến hành hay không. “Sinh viên tốt nghiệp đại học Havard là giám đốc chứ không phải doanh nhân, bởi họ chỉ phụ trách xử lý các đề án đã phát sinh. Còn doanh nhân, tất cả đều mới mẻ, chưa xác định được gì cũng như không thể dùng xác suất để mô tả mức độ may rủi. Những gì mà người ta chưa biết thì doanh nhân bằng trực giác của mình để phán đoán, quyết định”, Wong Kwong Yu cho biết.
Cẩn trọng và hiệu quả trong quản lý
Các doanh nhân Trung Quốc thường suy tính và lựa chọn cho mình những phương thức tổ chức quản lý rất hiệu quả. Họ thường chú trọng vào việc quản lý theo định hướng một cách có tổ chức, quan tâm đến các nhà quản lý, vai trò và trách nhiệm của nhà quản lý và đặc biệt là yếu tố tài chính.
Ở Trung Quốc, chắc hẳn ai cũng biết đến công ty của 4 anh em nhà họ Vệ chỉ tốt nghiệp phổ thông trung học nhưng đã huy động được 8 triệu USD để thành lập một công ty sản xuất mì ăn liền. Họ phân chia trách nhiệm điều hành công ty cho bốn anh em như sau: anh cả là Chủ tịch công ty và chịu trách nhiệm điều hành chung, người thứ hai chịu trách nhiệm về quan hệ kinh doanh, người thứ ba là phó chủ tịch chịu trách nhiệm tài chính, người em út làm marketing. Nhờ sự phân công rõ ràng này, anh em họ Vệ đã thành công trong công việc quản lý điều hànhcông ty Ting Hsin. Hiện Ting Hsin là công ty lớn nhất trong ngành công nghiệp mì ăn liền của Trung Quốc, qua mặt cả tập đoàn Nestle.
Còn tại Tập đoàn đầu tư và tín nhiệm quốc tế Trung Quốc, các quyết định kinh doanh của Larry Rong Zhijian, người giàu nhất Trung Quốc hiện nay, thường được đưa ra ngoài phòng họp. Những người quản lý luôn được Larry Rong coi trọng nhưng nhiều trường hợp, người này không phải là người lãnh đạo kinh doanh. Người lãnh đạo kinh doanh được thuê về phải là người có tuổi, tuổi đời lẫn kinh nghiệm quản lý: giỏi cả về quản lý chi tiết và tầm nhìn chiến lược và có tiếng nói quyết định. “Hệ thống điều hành 2 tầng này của Larry Rong cho phép một trưởng phòng báo cáo thẳng lên chủ tịch mà không cần đi từng bước qua hệ thống điều hành”, giáo sư kinh tế Yang Tecce thuộc trường đại học Bắc Kinh nhận định.
Còn về phần mình, những tỷ phú như Larry Rong Zhijian, Zhu Mengyi, Ding Lei sẽ luôn là người trực tiếp quản lý các nguồn tài chính của công ty. Đồng thời, họ thường ít dựa vào các tổ chức bên ngoài như ngân hàng trong các công việc quản lý tài chính kế toán.
Giàu có nhưng không hoang phí
Khá nhiều tỷ phú giàu có của Trung Quốc vẫn đang sống dưới vỏ bọc nghèo khổ. Thông thường, những doanh nhân này giàu có là nhờ sự tiết kiệm, dành tiền để mua cổ phiếu tại những thị trường chứng khoán nước ngoài. Người ta rất ít khi thấy họ bán cổ phiếu ra và khi giá cổ phiếu tăng mạnh sẽ khiến đồng vốn của họ được bổ sung rất lớn. Đa số họ đều đã nếm mùi gian khổ ở thời kỳ kinh tế bao cấp trì trệ của Trung Quốc trong thập niên 80.
Theo số liệu thống kê của công ty nghiên cứu Spectrem Group, chi nhánh tại Trung Quốc thì ở Trung Quốc có khoảng hơn 1000 doanh nhân có số tài sản trên 1 triệu USD sau thuế. Trái ngược với một số nhà triệu phú tại các quốc gia khác tiêu pha hoang phí trong khi vẫn nợ nần chồng chất thì đa phần các triệu phú Trung Quốc là “ky bo”, họ luôn giữ kín số tài sản của mình. Các nhà tâm lý giải thích hiện tượng trên: “Họ chấp nhận cuộc sống cơ hàn, sợ có tội khi cảm thấy mình xa hoa trên cái nghèo khổ còn đầy rẫy ngoài xã hội hoặc đó chỉ là thói quen tiết kiệm từ nhỏ. Thay đổi thói quen đã ăn sâu vào máu là điều không thể”, giáo sư tâm lý Zhun Yangmin của trường đại học Quảng Đông khẳng định.
Tin về cái chết của doanh nhân Jenchun Lam ở Quảng Đông nhanh chóng lan ra cả nước. Số tài sản của ông lên tới 10 triệu USD. Con số này cũng chưa phải là quá lớn tại Trung Quốc ngày nay song người ta đồn đại vì chuyện khác. Lúc còn sống, không một ai nghĩ ông lại có nhiều tiền như vậy. Dây thắt lưng của ông chỉ là một loại dây da đã cũ kỹ, Jenchun thường mua thức ăn ở một cửa hàng lương thực thuộc hạng bình dân và từ chối lắp điện thoại tại nhà với lý do quá tốn kém. Hay trường hợp bà Emma Chun cũng chẳng kém. Bà thuộc nhóm nhân viên đầu tiên của một trong những công ty tài chính tư nhân lớn nhất Trung Quốc hiện nay, công ty Deluxe Finance. Phần lớn tài sản của bà nằm trong số cổ phiếu của công ty. Chưa bao giờ người ta thấy Chun cho người phục vụ quá 1 USD. Khi còn sống bà chỉ tặng tiền nhỏ giọt cho nhà thờ và các hội từ thiện.
Quả thật, tuy là những ông chủ tập đoàn, công ty hay nhà kinh doanh giàu có nhưng các doanh nhân Trung Quốc vẫn rất tiết kiệm. Phần lớn đó chính là tính cách của họ, có thể do xuất thân từ nghèo khó hay do hoàn cảnh mồ côi nên đã tạo cho họ sự “tằn tiện”. Nhiều người nhìn họ với con mắt khâm phục nhưng cũng có nhiều người lại “cười khẩy” vào họ cho rằng họ có vấn đề khi mà có tiền mà không tiêu. Nhưng dù sao đi nữa, họ đã tạo ra một “bộ mặt” mới cho nền kinh tế Trung Quốc, một quốc gia mà trong con mắt mọi người đã trở thành một hiện tượng kinh tế của thế kỷ 21.
Khả năng suy tính và phán đoán
Ông trùm bất động sản Zhu Mengyi, người giàu thứ hai tại Trung Quốc ngày nay, đã nổi lên nhờ có khả năng suy tính và phán đoán. Khi một số nhà đầu cơ bất động sản đang chờ giá khách sạn Pierr trên đường số 5 của Bắc Kinh hạ xuống để mua thì Zhu đã bất ngờ bỏ tiền ra mua khách sạn này. Mọi người đều cho rằng Zhu bỏ tiền ra quá sớm mà không ngờ được rằng sau khi mua lại khách sạn, ông đã tân trang lại và tìm cách kéo những người nổi tiếng đến ăn nghỉ tại đây với giá ưu đãi và biến nó thành điểm đến của giới thượng lưu Bắc Kinh. Năm năm sau, ông bán khách sạn này với giá cao cấp 17 lần giá mua.
Cuối thập niên 90, khi Hồng Kông được trao trả về cho Trung Quốc, Zhu nhận thấy đây là một khu vực nhỏ bé nhưng giá bất động sản sẽ nhảy vọt bởi nhiều nhà đầu tư đại lục sẽ tìm đến Hồng Kông như một địa điểm kinh doanh mới. Zhu biết rất rõ điều này vì vậy ông đã chuyển hướng sang đầu tư vào lĩnh vực nhà đất Hồng Kông. Phương pháp đầu tư bất động sản của Zhu là coi việc kinh doanh nhà đất như kinh doanh trong ngành các công nghiệp hay nói cách khác là công nghiệp hoá nhà đất. Đầu tiền ông sẽ khai sáng và đi đầu trong công việc bán nhà xây sẵn. Tiếp theo sẽ đi đầu trong việc sử dụng phương pháp phát tờ rơi và quảng cáo để thúc đẩy việc kinh doanh của mình. Chỉ cần khách hàng trả trước 10% tiền mặt thì lập tức có thể thuê, mua hay xây dựng lại ngôi nhà theo hình thức trả góp.
Mặc dù hơi mạo hiểm nhưng với những suy đoán chính xác của mình, từ một nhà đầu tư nhỏ lẻ, Zhu đã trở thành một trong những ông trùm bất động sản thành công nhất thế giới bên cạnh những Donald Trump hay Mark Hahes,….
Coi trọng nội lực và những giá trị truyền thống
Theo một cuộc thăm dò tại Trung Quốc thì có đến 57% giới doanh nhân nói rằng họ muốn làm ăn với những đối tác ở đại lục hơn là doanh nhân nước ngoài. con số này ở Bắc kinh và Thượng Hải là 69%. Dường như đây là vấn đề văn hoá kinh doanh. Những ông chủ giàu có tại Trung Quốc cho rằng những người nước ngoài không hiểu gì về cách thức kinh doanh cũng như văn hoá ở đây.
Việc thuê lao động là người Trung Quốc cũng vậy, 84% ông chủ kinh doanh tại Trung Quốc ưa thích tuyển dụng lao động nội địa hơn là người nước ngoài. Chỉ có một điều đến từ thế giới phương Tây mà các doanh nhân Trung Quốc thừa nhận đó là ngoại ngữ và sự hợp tác làm ăn. Khoảng 60% số doanh nhân được hỏi ở đủ mọi lứa tuổi đều cho rằng tiếng Anh hoàn hảo là một trong những nhân tố bảo đảm cho kinh doanh thành công, đồng thời việc hợp tác kinh doanh với thế giới được 92% số doanh nhân Trung Quốc ủng hộ.
Bên cạnh nguồn nội lực, các doanh nhân Trung Quốc rất coi trọng những giá trị truyền thống. Theo họ, điều cốt yếu nhất của một doanh nhân và của thành công trong kinh doanh chính là lao động cần cù. Nhưng có đến hơn 80% số người được hỏi cho rằng, điều quan trọng nhất của đối tác kinh doanh là sự trung thực, sau đó đến các đức tính khác như biết tính toán, cần mẫn, sáng tạo, kỷ luật.
Giải trí ngoài công sở
Cuộc công kinh doanh thật mệt mỏi, nhiều doanh nhân Trung Quốc đã nhìn nhận như vậy. Gần một nửa các doanh nhân Trung Quốc cho rằng mỗi ngày trôi qua đối với họ tại công ty hay tập đoàn là một ngày tranh đấu. Tỷ lệ này cao hơn hẳn so với nhiều nước châu Á khác. Tuy nhiên, một trong những nhân tố giúp các doanh nhân Trung Quốc không ngừng vươn tới thành công là họ luôn biết duy trì sự cân bằng giữa cuộc sống và công việc.
Có tới 1/3 số doanh nhân được phỏng vấn cho rằng đọc báo và tạp chí là một thú vui giải trí chủ yếu, 29% thích xem truyền hình, một phương tiện ngày càng trở nên phổ biến. Số người chọn đọc sách là 35%. Doanh nhân Trung Quốc dường như thích những cuộc dạo chơi trên Internet hoặc đi xem phim. Nhưng hầu hết mọi lứa tuổi đều thích đọc sách hơn là đến những trang web bởi họ cảm thấy vi tính sẽ khiến họ mệt mỏi hơn, không có cảm giác thoát khỏi cuộc sống công việc hàng ngày.
Từ lâu nay, người Trung Quốc thường nói một cách thẳng thắn: “Một xã hội muốn tồn tại, hay chí ít vẫn còn gọi là xã hội thì nhất định phải có doanh nhân. Chỉ có doanh nhân mới có chấn hưng được đất nước, bởi vì doanh nhân là người đem lại sự sáng tạo, năng động khiến tri thức chuyển hoá thành sức sản xuất”. Những quan niệm như vậy đã ăn sâu vào tâm thức của nhiều thế hệ doanh nhân Trung Quốc. Họ nỗ lực phấn đấu bởi với họ thành công không chỉ cho riêng mình mà còn cho cả đất nước Trung Quốc rộng lớn. Chính vì những lý do đó mà có lẽ trong tương lai chắc sẽ xuất hiện ngày một nhiều các thế hệ doanh nhân Trung Quốc thành công hơn nữa!
0 comments:
Post a Comment