Phễu bán hàng : Khoa học hóa việc bán hàng

Để có doanh số và thu nhập ổn định cần xây dựng phễu bán hàng. Phễu bán hàng là quy trình bán hàng gồm có ba công đoạn: (1) Tìm khách hàng; (2) Trình bày; (3) Chăm sóc . Bạn cần đổ vào nhiều khách hàng tiềm năng ở đỉnh phễu, bạn sẽ nhận được nhiều giao dịch hơn ở đáy phễu. Tỷ lệ chuyển đổi từ khách hàng tiềm năng trở thành khách hàng chi tiền phản ánh hiệu quả bán hàng. Hiểu được con số này giúp bạn cải tiến quy trình và nâng cao hiệu suất một cách chính xác. 

Phễu bán hàng
Phễu bán hàng
Nấc 1: Tìm khách hàng tiềm năng
Tại nấc 1 bạn cần xây dựng danh sách khách hàng. Đây là công việc cần làm đều đặn và liên tục nhằm cung cấp đầu vào cho quy trình. Đừng để bất cứ lúc nào hết đầu vào, khi đó phễu bán hàng của bạn sẽ không chảy ra được kết quả. Khách hàng tiềm năng là các mối quan hệ có khả năng sử dụng sản phẩm hay dịch vụ. Giả sử tỷ lệ của bạn là cứ 20 mối liên hệ sẽ có 5 cơ hội trình bày, tỷ lệ chuyển đổi ở đây là 4:1
Nấc 2: Trình bày - Thuyết phục
Tại nấc thứ 2 bạn sẽ trình bày, giới thiệu, thuyết phục khách hàng quan tâm và tiến đến sử dụng sản phẩm – dịch vụ. Ví dụ Tỷ lệ của bạn là 5 người bạn trình bày sẽ cho bạn 2 người để chăm sóc. Qua bước 2 bạn tìm được những khách hàng quan tâm và có nhu cầu thực sự. Tỷ lệ chuyển đổi ở đây là 5:2
Nấc 3: Chăm sóc - Chốt giao dịch
Việc chăm sóc, xử lý các giải đáp và đi vào chi tiết của giao dịch là nấc 3. Tại bước này cũng có tỷ lệ, ví dụ : 2 người bạn chăm sóc sẽ có 1 người mua hàng.
Phễu bán hàng cho bạn thông tin về tỷ lệ chuyển đổi từ Nấc 1 sang Nấc 2, từ Nấc 2 sang Nấc 3 và từ Nấc 3 đến kết quả mua hàng cuối cùng. Hình dung về phễu bán hàng cho bạn hai điểm quan trọng sau:
1. Bạn cần phải tăng số lượng ở đỉnh phễu vì nó là bước đầu tiên và quan trọng nhất. Nếu không làm tốt ở Nấc 1 thì kết quả đầu ra ở các Nấc 2 và Nấc 3 đều giảm. Cần tập trung thời gian, nỗ lực vào bước đầu tiên. Dành 80% thời gian để mở rộng đầu vào, tìm kiếm các khách hàng tiềm năng, xây dựng danh sách, tiếp cận khách hàng để dẫn họ sang các Nấc tiếp theo. Thời gian và công sức nên dành 80% để tập trung vào công đoạn này. Không bao giờ để cạn khách hàng tiềm năng. Cần kế hoạch chi tiết để bổ sung và nạp thêm đầu vào phễu.
2. Tỷ lệ chuyển đổi thể hiện và đánh giá kỹ năng của bạn. Bạn cần tập trung để cải thiện các kỹ năng giúp chuyển đổi một cách hiệu quả. Việc phân tích con số tỷ lệ giúp bạn xác định rõ ràng đâu là kỹ năng đang làm tốt và đâu là kỹ năng đang yếu nhất. Dành nỗ lực và tập trung để học hỏi, cải thiện kỹ năng đang là điểm thắt trong phễu bán hàng. Khi điểm thắt này được cởi ra thì kết quả cũng sẽ được cải thiện. Dành 100% thời gian học tập để cải thiện kỹ năng yếu nhất trước bởi vì nếu không tháo gỡ được kỹ năng yếu nhất thì cho dù bạn có làm tốt hơn ở các kỹ năng khác vẫn ít góp phần cải thiện kết quả.

Năng lượng: 
Người bán hàng trung bình sẽ ít để ý đến tỷ lệ chuyển đổi. Chính vì vậy họ không có kế hoạch để đổ đẩy đỉnh phễu. Họ chỉ xây dựng được nguồn khách hàng hạn chế và chăm sóc đi, chăm sóc lại đối tượng khách hàng tiềm năng cũ với hy vọng khách hàng đổi ý. Không may là phần lớn khách hàng sẽ ít khi đổi ý. Sau khi chờ đợi không được họ có xu hướng đưa ra kết luận tiêu cực về sản phẩm, dịch vụ, tiềm năng thị trường mà không hiểu được vấn đề nằm ở con số chuyển đổi.
Ngược lại người bán hàng dẫn đầu tiếp tục vững bước, họ dành nhiều năng lượng và duy trì năng lượng để xây dựng và đổ đầy đỉnh phễu bán hàng của mình. Họ biết có tỷ lệ chuyển đổi cụ thể do đó họ không để bị phụ thuộc vào khách hàng. Họ sẽ chủ động tìm kiếm, xây dựng và phát triển dữ liệu khách hàng để danh sách này không bao giờ cạn. Họ biết rằng trong 20 mối quan hệ sẽ có 2 mối quan hệ sản sinh lợi nhuận do đó họ sẽ lần lượt mở lần lượt từng mối quan hệ.
Giống như bạn có 20 cái túi và trong đó 2 túi có tiền. Nếu bạn mở túi 1 ra không có tiền thì bạn sẽ mở tiếp túi thứ 2, thứ 3, … cho đến khi tìm được cái bạn cần. Năng lượng, sự nhiệt tình sẽ giúp bạn tiếp bước cho dù kết quả ban đầu như thế nào. Vì có trường hợp là 2 túi cuối cùng mới có tiền và 18 túi đầu tiên chẳng có gì, nếu người bán hàng không thò tay đến chiếc túi cuối cùng thì họ đã đánh mất kết quả và tổn thất toàn bộ nỗ lực mở 18 túi trước. Năng lượng rất quan trọng để bạn tiến bước và vui vẻ với hành trình. Coi bán hàng là trò chơi mở túi, bạn mở càng nhanh thì càng sớm tìm được túi có tiền.

Quy trình: 
Phễu bán hàng là một quy trình tuần tự gồm ba bước cơ bản trong bán hàng. Xác định rõ ràng công việc và kết quả công việc của từng bước giúp có được sự rõ ràng và dễ dàng hơn để tập trung hành động. Việc lặp đi lặp lại từng bước giúp rèn luyện kỹ năng và hiểu rõ năng lực bán hàng đang ở mức độ nào. Bán hàng là kỹ năng tổng hợp gồm các kỹ năng về xây dựng danh sách khách hàng, trình bày và chăm sóc khách hàng. Để cải thiện kết quả bán hàng, người bán hàng dẫn đầu có kế hoạch để cải thiện kỹ năng còn hạn chế một cách cụ thể.

Tập trung:
Sự tập trung vào công việc sẽ tăng năng suất và hiệu quả. Sau khi hình dùng phễu bán hàng gồm có ba nấc như vậy, người bán hàng cần tập trung vào kết quả của từng bước. Họ cố gắng làm tốt nhất có thể ở từng bước. Mỗi bước làm tốt để tạo tiền đề tốt hơn cho bước sau. Sự cố gắng hay phấn đấu được chỉ tiêu hóa rõ ràng. Để có 1 giao dịch bạn cần 20 mối liên hệ, như vậy để có 1 giao dịch trong một tuần thì bạn cần phải xây dựng và làm đủ số lượng là tạo ra 20 mối liên hệ trong tuần. Khi bạn làm tốt hơn 10%, 20% tức là thay vì có 20 mối liên hệ bạn sẽ có 22 hoặc 24. Con số nói rõ hơn về sự cố gắng và tập trung của bạn.

Kiến thức:
Phễu bán hàng là một trong kiến thức cơ bản về bán hàng. Bạn cần nắm rõ tỷ lệ chuyển đổi trong công việc của bạn, hay sản phẩm và dịch vụ đang bán. Thu thập thông tin và phân tích về tỷ lệ chuyển đổi này giúp bạn tiếp cận với bán hàng một cách khoa học. Nó giúp bạn dự báo được về doanh số và thu nhập. Đồng thời đánh giá được những bài toán cần giải. Phần lớn doanh nghiệp chỉ cho nhân viên bán hàng tài liệu sản phẩm mà không cung cấp hoặc đào tạo giúp cho nhân viên có hiểu biết về nghề bán hàng.

Phẩm chất: 
Dựa trên phễu bán hàng giúp người quản lý hay người bán hàng nhìn rõ hơn về phẩm chất của nhân viên hay của chính mình. Con số sẽ nói lên mức độ chăm chỉ, cố gắng, quyết tâm, sự kiên cường, kiên nhẫn,… Như vậy, để thành công trong bán hàng sẽ không phải là do may mắn, không phải do có năng khiếu nói giỏi, khéo léo như nhiều người nhầm tưởng. Đầu tiên và quan trọng nhất để thành công trong bán hàng là phẩm chất chăm chỉ. Có chăm chỉ, làm hết việc, nỗ lực đi đến con số chỉ tiêu là điều kiện cần cho bán hàng thành công.

0 comments:

Post a Comment