Những điều cần chú ý khi vay tiền công ty tài chính

Do quá cần tiền, không đọc kỹ hợp đồng... nhiều người đã vay mà không bận tâm nhiều tới lãi suất cao bất thường và cách tính phí của một số công ty tài chính.

Luôn hỏi kỹ lãi suất

Thủ tục vay vốn tại công ty tài chính thường đơn giản hơn rất nhiều so với ngân hàng. Nhiều khách hàng thường chỉ mong vay được tiền càng nhanh càng tốt mà không để tâm các điều khoản trong hợp đồng. Anh Lê Tùng (Nguyễn Trãi, Hà Đông), người từng mua xe Liberty trả góp qua một công ty tài chính, thú thật: "Lúc ý muốn mua xe quá nên mình cũng chỉ chăm chăm để nhanh được mua và cứ ngỡ tính ra trả góp mỗi tháng không nhiều. Nhưng sau này mới ngẫm lại thấy lãi suất cũng phải gần 50% một năm".
Những điều cần chú ý khi vay tiền công ty tài chính
Những điều cần chú ý khi vay tiền công ty tài chính
Để vay được tiền, nhiều khách hàng bất chấp các điều khoản hợp đồng dù có thể lãi suất cao ngất ngưởng. 
Vay tiền thì dễ nhưng khách hàng rất khó để tất toán trước hạn. Phí trả cả gốc và lãi trước hạn của một số đơn vị nếu tính kỹ sẽ không đỡ hơn chút nào nếu tiếp tục chịu lãi suất cao và thanh toán từng tháng cho đến khi hết hợp đồng. Vì vậy, theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, lời khuyên "đọc kỹ hướng dẫn trước khi sử dụng" không bao giờ là thừa với mọi khách hàng.
Tùy vào độ khó tính của khách mà nhân viên công ty tài chính cân nhắc cung cấp đến đâu các điều khoản trong hợp đồng. Nhiều trường hợp, nhân viên tư vấn lãi suất một đằng nhưng số tiền phải trả lại một nẻo, cao hơn rất nhiều. Vài ngày sau khi giải ngân xong, khách hàng mới nhận bản hợp đồng chi tiết và tá hỏa vì lãi suất tới hơn 60-70% một năm.

Theo các chuyên gia tài chính, đơn vị nào chấp nhận rủi ro càng lớn khi đưa ra ít điều kiện, chuẩn tín dụng thì mức lãi suất tương ứng sẽ càng cao. Để bảo đảm quyền lợi, người vay tiền có quyền đòi hỏi công ty đó minh bạch mức lãi suất để thỏa thuận trước khi vay.

Kiểm tra ngân sách của mình trước khi vay

Thu nhập chỉ 5-6 triệu đồng mỗi tháng nhưng không ít người lại có nhu cầu mua sắm xe tay gas, dùng smartphone cao cấp... Tư vấn viên của một công ty bảo hiểm cho vay tiêu dùng nói: "Mua hàng trả góp là cách mà nhiều khách hàng sử dụng để trang trải chi phí mua sắm. Tuy nhiên, không nhiều người thực sự tính toán kỹ khả năng thanh toán trước khi vay".

Do đó, để tránh cảnh kiệt quệ tài chính, các chuyên gia khuyên người tiêu dùng nên kiểm tra kỹ ngân sách, tổng thu nhập mỗi tháng trước khi vay. Việc trả nợ chỉ nên chiếm nhiều nhất khoảng 30-40% tổng thu nhập trong tháng của bạn. Nếu không, bạn rất có thể rơi vào cảnh đi vay nợ mới để trả nợ cũ.

Hỏi kỹ về bảo hiểm, các chi phí phát sinh

Không riêng các công ty tài chính, nhiều ngân hàng cũng tính gộp luôn khoản tiền bảo hiểm vào khoản vay và trừ thẳng trước khi giải ngân cho khách. Việc này nhiều người chỉ biết khi nhận được tiền. Về điểm này, lãnh đạo một ngân hàng phân tích, trước tiên, sai sót đến từ bên cho vay. Về nguyên tắc, các nhân viên phải nêu rõ cho khách hàng trước khi ký hợp đồng. Tuy nhiên, theo ông, bản thân người vay cũng phải có trách nhiệm tìm hiểu kỹ mọi điều khoản trên hợp đồng để tự bảo vệ mình.

Chỉ vay khi không còn lựa chọn khác

Nếu nắm và tuân thủ nguyên tắc này, chắc chắn bạn sẽ tránh được những rủi ro tiềm tàng khi vay tiền ở các công ty tài chính - nơi thường có mức lãi suất rất cao. Theo các chuyên gia, hãy luôn kiềm chế bản thân trước các cuộc gọi mời chào vay tín chấp của những tư vấn viên. Nếu không thực sự cần kíp và không còn phương án nào mới tìm đến họ.

Bên cạnh đó, bạn chỉ nên vay những khoản tiền nhỏ và để tiêu dùng, mua sắm (thay vì để trả nợ và sử dụng cho các mục đích khác). Nếu dư nợ không cao, từ 10-20 triệu đồng, việc trả nợ sẽ dễ thở và không trở thành áp lực hàng tháng.

Thanh Thanh Lan

0 comments:

Post a Comment